Dẫn 1: Thưa quý vị và các bạn, hình ảnh nữ bưu tá với làn da rám nắng, nụ cười phúc hậu trên chiếc xe đạp cũ kỹ đã trở nên quen thuộc với người dân xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Hơn 10 năm gắn bó với nghề bưu tá, trải qua bao khó khăn, vất vả trong nghề, chị Nguyễn Thị Kim Oanh vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận được sự yêu mến của mọi người. Phóng sự của CTV Nguyễn Chuyên và Trần Sang.
Dẫn 2: Di nguyện của bố chồng là cái duyên đưa chị Nguyễn Thị Kim Oanh đến với nghề bưu tá từ hơn mười năm trước. Bố chồng chị Nguyễn Thị Kim Oanh là thương binh bị cụt một tay, khi phục viên trở về địa phương được xã tín nhiệm giao việc vận chuyển thư tín, công văn báo chí. Với ý chí của một “thương binh tàn nhưng không phế”, ngày ngày với chiếc xe đạp cũ và một túi bưu phẩm lớn, ông miệt mài đạp xe đưa đến từng địa chỉ, dù ngày nắng hay mưa. Nói về cái duyên đến với nghề chị Oanh chia sẻ:
File: “Thì ông nói là cứ chịu khó làm rứa nà, chịu khó làm vì bố là thương binh cụt tay, mà bố về hưởng lương nhưng mà ông về làm cho xã 27 năm nữa. Khi ông ốm thì chồng làm, còn sau năm 2002 thì anh đi xuất khẩu lao động thì chị tiếp tục. Chị nghĩ là mình về làm dâu trăm họ, cái nghề của ông cha để lại, ông bàn giao cho thì mình cũng phải hoàn thành nhiệm vụ cho tốt.”
Hằng ngày, với chiếc xe đạp cũ kỹ, chị đến bưu điện trung tâm nhận báo chí, công văn, thư từ, bưu phẩm. Sau khi giao công văn, báo chí ở UBND xã Nam Giang, chị xuống các 12 thôn xóm trong xã đưa báo, thư cho từng người được nhận, rồi lại nhận công văn, thư tín đạp xe quay trở lại bưu điện để gửi đi. Chiều dài quãng đường chị đi hàng ngày có lẽ hơn 40 cây số. Vất vả, nặng nhọc nhưng chị vẫn không quản ngại khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ như chị chia sẻ công việc đã đem lại cho chị niềm vui, tiếp thêm động lực giúp chị vượt lên khó khăn vất vả để tiếp tục công việc.
Chồng chị đi làm xa, một mình chị ở nhà đảm đang công việc đồng áng, dạy dỗ chăm sóc con cái. Khó khăn, nhọc nhằn của cuộc sống như hằn lên đôi mắt của chị, nước da rám nắng, nhưng chị vẫn luôn lạc quan, nở nụ cười trên môi. Chị nói về công việc hằng ngày của mình:
File: “Phụ nữ thì đang có việc nhà, con cái còn nhiều. Chị thì con đang nhỏ, chị đang làm cả đồng, ruộng, chị làm 7 sào, nuôi cả lợn. Nói chung là làm việc hết thời gian, đêm không có thời gian nghỉ, cứ 10 giờ thì giặt giũ mới xong xuôi, xong mới nép dọn nhà cửa, mai lại tiếp tục hành trình vì nếu mà để sang ngày mai thì không thể kịp được.”
Chị Oanh làm việc nhanh nhẹn, nhiệt tình, thái độ niềm nở, giao tiếp lịch sự nên được mọi người rất tôn trọng và quý mến. Hơn 10 năm làm bưu tá, ông không để xảy ra chậm trễ, nhầm lẫn hay thất lạc thư tín. Chị Lê Thị Hồng, nhân viên văn phòng UBND xã Nam Giang chia sẻ:
File: “Chị là một người nhanh nhẹn, nhiệt tình, tính tình thì vui vẻ. Riêng nói về một người phụ nữ thì chị là một người rất giỏi, vì kể cả công việc ở gia đình, nội trợ, người vợ, người mẹ. Ngoài ra công việc nhiều rứa thì chị nhận công việc đưa thư thì chị đảm bảo đúng giờ giấc, đúng nguyên tắc và được mọi người quý mến.”
Tuy cuộc sống và công việc còn nhiều khó khăn, công việc thu nhập còn thấp, nhưng chị vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết với nghề. Chị cũng nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền xã và bà con nhân dân xã Nam Giang. Trong năm mới này, chị Oanh tâm sự về mong muốn của mình:
File: “Nói chung lương thì vẫn còn thấp, chỉ 750 ngàn/tháng. Chị vẫn mong muốn bên ngành, Tổng công ty bưu chính viễn thông cho nộp bảo hiểm, chị làm 10 năm chưa có bảo hiểm. Nhiều người muốn có bảo hiểm khi ốm đau, tuổi già”
Đối với chị, niềm vui với nghề chỉ thực sự trọn vẹn khi những bưu kiện, thư tín, những tờ báo được đến tay cơ quan và người dân sớm nhất. Niềm say mê, nhiệt huyết với nghề của chị Oanh là chiếc cầu nối để mang những cánh thư đến với người dân xã Nam Giang. Chị Oanh vẫn sẽ gắn bó với nghề bưu tá này như chị đã chia sẻ “Là nghề đã chọn tôi và tôi gắn bó với cái tên mà bà con đã đặt cho tôi Oanh Bưu tá”
Nguyễn Chuyên và Trần Sang