Cai sữa cho con chưa bao giờ là một hành trình dễ với cả mẹ và bé! Bởi như một sợi dây gắn kết, việc cai sữa cho con đôi lúc sẽ khiến mẹ cảm thấy hụt hẫng và có phần thấy có lỗi với con. Thế nhưng, điều đáng sợ hơn đó chính là cảm giác đau tức, căng ngực hết cỡ khi bắt đầu cai sữa cho con. Và một chút mẹo hết căng ngực khi cai sữa của mẹ Thóc xin được chia sẻ cùng mọi người.
Cảm giác căng sữa sẽ khiến mẹ cảm thấy đau đớn, ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống và cả việc chăm sóc bé yêu. Điều đáng ngại nếu việc căng sữa, căng ngực khi cai sữa cho bé cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm tắc tia sữa, nặng có thể dẫn tới áp-xe vú. Một số mẹ lựa chọn các bài cai sữa dân gian, mẹ khác lại lựa chọn dùng thuốc tây, mỗi người có một cách và hiệu quả nhanh chậm sẽ khác nhau. Một số lưu ý mẹ có thể áp dụng để giảm căng sữa khi cai sữa như sau:

Những điều nên tránh để tránh bị đau căng sữa
- Không mặc đồ lót chật: mặc đồ lót chật không chỉ khiến cản trở lưu thông máu mà nó còn gây gò bó, khó chịu và làm tăng cảm giác đau nhức cho mẹ.
- Tránh vận động mạnh: vận động mạnh khiến sẽ khiến mẹ thêm đau đớn khi bầu ngực căng tức.
- Không dùng thuốc tiêu sữa không rõ nguồn gốc: Việc lạm dụng các bài thuốc tiêu sữa dân gian hoặc uống thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể dẫn đến những nguy cơ như ngộ độc, áp xe vú,… Vì thế, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ nếu việc cai sữa của mẹ không có dấu hiệu giảm căng tức sau 5 ngày.
- Không vắt sữa nhiều: Việc vắt sữa có thể khiến mẹ đỡ căng tức ngay nhưng sẽ khiến việc tiết sữa tiếp tục, có khi còn nhiều hơn nếu mẹ vắt kiệt sữa. Vì thế, mẹ chỉ vắt vừa phải lượng sữa thừa, giảm số lần hút xuống.
Hết căng sữa khi cai sữa cho con cần làm:
- Tắm nước ấm bằng vòi sen: Đây là việc mẹ nên làm. Thực sự không chỉ giúp làm sạch bầu ngực, tránh viêm núm vú mà còn giúp mẹ thư giãn, giảm tình trạng căng tức, giúp các u sữa mềm ra. Mẹ hãy dùng tay massage nhẹ nhàng để sữa thừa chảy theo dòng nước, giúp mẹ giảm đau, giảm căng tức hiệu quả.
- Ăn uống nghỉ ngơi điều độ: Đây là điều cần thiết giúp đảm bảo sức khoẻ cho mẹ.
- Chú ý các dấu hiệu bất thường: Đừng xem thường bất cứ dấu hiệu nào, nếu thấy có dấu hiệu bầu ngực sưng đỏ, mùi lạ, đau quá mức và sốt,… thì cần gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.
Khi thực hiện cai sữa mẹ nên thực hiện từ từ để cả mẹ và bé có cơ hội thích nghi và giảm tình trạng đau căng ngực khi cai sữa. Ngoài ra, tình trạng căng sữa đa phần tự hết sau một thời gian, thường kéo dài lâu nhất là một tuần. Nếu không có các dấu hiệu bất thường thì mẹ không cần lo lắng nhé! Chúc mẹ và bé vui khoẻ!