Dân số giảm kéo theo lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng của Trung Quốc co lại, khiến nền kinh tế này càng khó vượt Mỹ.
Số liệu giới chức Trung Quốc công bố hôm 17/1 cho thấy dân số nước này năm 2022 lần đầu đi xuống kể từ năm 1961. Theo đó, con số này giảm 850.000 xuống 1,4 tỷ người. Tốc độ giảm mạnh hơn dự báo đánh dấu bước ngoặt với nước này, có khả năng tác động lớn đến nền kinh tế và vai trò công xưởng thế giới của họ.
Dấu mốc về dân số xảy ra khi Trung Quốc vẫn là nền kinh tế đang phát triển, có thu nhập trung bình. Các nhà kinh tế học cho rằng mục tiêu của giới chức Trung Quốc – vượt Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới – giờ sẽ càng khó khăn hơn khi dân số giảm.
“Khả năng Trung Quốc vượt Mỹ giờ đã giảm một bậc”, Roland Rajah – kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Lowy (Australia) nhận định trên Wall Street Journal.
Kinh tế toàn cầu đang ngày càng dựa vào lực lượng lao động nhà máy đông đảo của Trung Quốc để sản xuất hàng hóa. Người tiêu dùng nước này cũng là thị trường đang lên cho các hãng xe và hàng thời trang xa xỉ phương Tây. Vì thế, việc dân số suy giảm đồng nghĩa số người tiêu dùng giảm đi, đúng thời điểm Trung Quốc chịu sức ép thúc đẩy tăng trưởng bằng tiêu dùng, thay vì đầu tư và xuất khẩu.

Khả năng hồi phục tiêu dùng cũng sẽ chịu sức ép bởi thị trường lao động yếu và giá nhà giảm – kéo theo tài sản của các gia đình Trung Quốc giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16-24 vẫn cao, với 16,7% trong tháng 12. Tăng trưởng thu nhập khả dụng có thể chậm lại, còn 4% mỗi năm trong 5 năm tới, giảm từ 8% trước đại dịch, theo David Wang – kinh tế trưởng tại Credit Suisse cho biết.