Vào vụ bán Tết song các vườn cam bù ở huyện Hương Sơn quả vẫn xanh và nhỏ, một số cây trơ trọi cành do mưa nhiều gây bệnh.
Chiều 18/1, còn ba ngày nữa là đến Tết Quý Mão, bà Lê Thị Lý, trú xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, cùng một số thành viên trong gia đình ra vườn cam bù lọc hái quả chín đem bán.
Trong 30 phút, bà Lý cùng các con chỉ hái được 5 kg bỏ vào làn nhựa, trong khi nếu không mất mùa thì chỉ cần khoảng 5-10 phút sẽ thu hoạch được gần một yến. Bà Lý lắc đầu nói “năm nay mất Tết”.
Gia đình bà trồng 100 gốc cam bù Hương Sơn, xen kẽ với cam chanh trên diện tích gần 1,7 ha vườn đồi. Thời điểm này năm ngoái cam bù chín vàng, thương lái tấp nập vào vườn mua cam về bán dịp Tết Nguyên đán. Cả vườn đạt 8 tấn quả, cây ít cho 50 kg, nhiều là 2 tạ, thu nhập từ bán cam khoảng 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, tình cảnh năm nay trái ngược. Tết cận kề song những gốc cam bù trong vườn nhà bà Lý chỉ lác đác quả chín. Nhiều gốc chết khô, cành trơ trọi. Cả vườn dự kiến đạt khoảng một tấn.
Giống gia đình bà Lý, vài tuần qua vợ chồng ông Nguyễn Trường Chinh, trú xã Kim Hoa, đứng ngồi không yên khi những quả cam trong vườn không chịu chín. Sở hữu 400 gốc cam bù, những năm trước sản lượng đạt 13 tấn, lúc thương lái đặt mua để bán Tết ông phải thuê hàng chục người hái mới kịp. Năm nay cả vườn ước đạt 2 tấn quả khiến ông “chẳng muốn thu hoạch”.
Vườn cam năm nay của ông Chinh chỉ có hơn 100 gốc cho quả, bình thường mỗi quả 3-4 lạng, song nay quả nhỏ chưa đầy 2 lạng. Nhiều quả cam khi chín bóc ra bị xốp, mất vị ngọt thanh vốn có. Dịp gần Tết, cam bán giá 20.000-40.000 đồng một kg. Khi sản lượng sụt giảm hơn 10 tấn, ông Chinh ước tính vụ này thất thu 100 triệu đồng.

Một số nông dân có kinh nghiệm trồng cam bù lâu năm cho hay, nếu vụ trước cây ra nhiều hoa thì khi đậu quả cần hái bỏ bớt. Nếu để quả quá nhiều sẽ khiến cây quá sức, dẫn đến bị yếu và ảnh hưởng tới vụ tiếp theo. Nhờ làm theo cách này, một số chủ vườn hạn chế được phần nào thiệt hại.
Ông Phan Xuân Yên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn, cho biết nguyên nhân cam bù mất mùa, quả chín muộn do thời tiết thất thường. Đầu năm 2022, mưa nhiều khiến rễ cây tổn thương, từ đó xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ. Ngoài ra, năm qua chi phí phân bón tăng cao nên người dân ngại đầu tư, không chăm sóc vườn thường xuyên khiến cây thiếu dinh dưỡng.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Yên cần nhiều thời gian. Trước mắt, những vườn già cỗi nên thay thế vì đã hết chu kỳ sinh trưởng. Khi chọn giống mới để trồng nên lấy cây cam ghép, tuân thủ nghiêm quy trình cắt tỉa, tạo tán, khi bón phân phải sử dụng các loại phân hữu cơ để cây phát triển bền vững.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn, huyện có hơn 1.000 ha cam bù, tập trung nhiều tại các xã Sơn Trường, Kim Hoa, Quang Diệm, Sơn Hàm… Năm ngoái, sản lượng cam bù toàn huyện đạt gần 11.000 tấn, giá trị sản xuất gần 350 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ thu vài chục đến hàng trăm triệu đồng, có những trang trại lớn lời tiền tỷ. Năm nay mất mùa nên sản lượng ước đạt 6.000-7.000 tấn, một số gia đình thu không đủ chi.
Cam bù Hương Sơn mọng nước, vị ngọt thanh và thơm, là thức quà quê nổi tiếng của Hà Tĩnh. Ngoài ăn từng múi thông thường, người dân còn ăn cam với muối trắng hoặc một bát mắm tôm trộn lẫn ớt cay. Loại quả này thường chín vào dịp Tết Nguyên đán, được dùng làm quà biếu phương xa.
Xem thêm: Làm thêm ngày Tết được hưởng bao nhiêu lương?
Điểm nhấn trên những đường hoa Tết khắp cả nước
Điểm nhấn trên những đường hoa Tết khắp cả nước